Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Giáo dục Pháp hướng tới sự sáng tạo cho học sinh

Giáo dục Pháp có điểm khác biệt tương đối lớn so với nền giáo dục cởi mở ở phương Tây. Học sinh luôn phải phấn đấu để đáp ứng đòi hỏi của các kì thi, phương pháp truyền thụ nặng kiến thức, không chú trọng tới phát triển hoạt động ngoại khoá...
Tuy nhiên, đổi lại kiến thức của học sinh Pháp được đánh giá là vững, ngoài ra Pháp cũng có những sáng kiến độc đáo về giáo dục như “lớp trộn” hay “lớp học khám phá” nhằm mở rộng kỹ năng sống cho học sinh...

Nền giáo dục tại Pháp được đánh giá là tổ chức tốt, đầu tư đúng mức và có tiêu chuẩn trung bình khá so với các nước châu Âu khác. Từ năm 1967, Pháp đã áp dụng giáo dục bắt buộc cho tất cả trẻ em từ 6 đến 16 tuổi. Số trẻ đến trường khoảng 13 triệu được giáo dục trong một hệ thống giáo dục thống nhất, cấu trúc chung gồm tiểu học, trung học bậc thấp và trung học được củng cố dần vào các năm 1960 và 1970.

Từ năm 1970, Pháp đã chứng kiến sự phát triển rất ấn tượng trong bậc giáo dục trước tuổi đến trường: tất cả trẻ tuổi giữa 3 và 5 được nhận vào nhà trẻ. Hệ thống trường công lập được bổ sung bởi một mạng lưới trường tư bao gồm cả các trường quốc tế. Hầu hết trường tư được giám sát bởi Bộ Giáo dục và tiếp nhận khoảng 15% học sinh ở bậc tiểu học và 20% ở bậc trung học bậc thấp, tỉ lệ này vẫn ổn định trong thập kỉ qua.

Hệ thống trường tư tại Pháp rất đa dạng gồm: trường quốc tế, trường Anh, trường Mỹ, trường Pháp, trường công giáo, trường bán trú và song ngữ... Vì thế mà khung giáo trình của hệ thống trường tư rất khác nhau. Với những trường tư có sự hỗ trợ của nhà nước chẳng hạn như trường công giáo (nhà nước trả lương cho giáo viên), mức đóng góp hàng năm của học sinh khoảng 400 euro. Còn học phí hàng năm ở trường tư độc lập hoàn toàn là từ 8000 đến 15.000 euro. Số học sinh có khả năng trang trải cho mức học phí này chưa tới 50.000 em. Mặc dầu chương trình và phương pháp giảng dạy tại trường công được sửa đổi đều đặn, nhưng hệ thống giáo dục có sự thống nhất cao trên toàn quốc, trẻ em trong cùng độ tuổi được học cùng các môn học và sách giáo khoa ở cùng một thời điểm.

Hệ thống giáo dục Pháp mang tính định hướng cao về việc học có hệ thống, nhấn mạnh vào phương pháp dạy truyền thống kiểu phương Đông được thiết kế để giúp sinh viên đạt được các tiêu chuẩn yêu cầu và vượt qua các kì thi. Đã có chỉ trích hệ thống này khi một số người so sánh với những hệ thống giáo dục cởi mở hơn như ở Anh, ý kiến chỉ trích tập trung vào sự cứng nhắc trong phương pháp giảng dạy và thiếu cơ hội phát huy sự sáng tạo của học sinh.

Gần đây bên cạnh việc chính phủ Pháp quan tâm về kĩ năng đọc viết và tính toán cơ bản của học sinh rời ghế nhà trường, sự chú trọng về các môn toán, đọc, viết, khoa học và tiếng Pháp hầu như không thay đổi.

Tại Pháp, học sinh cũng thường phải làm bài tập nhiều hơn so với nhiều nước châu Âu khác và giáo viên cũng thường đòi hỏi cao hơn. Điểm độc đáo là trong các trường mẫu giáo và tiểu học, người ta thường tổ chức các lớp “không khí gia đình” với trẻ các lứa tuổi khác nhau cùng học và cùng chơi trong một môi trường tích cực. “Lớp học khám phá” cũng là một kinh nghiệm độc đáo ở Pháp. Lớp học được chuyển tới địa điểm mới, có thể là tới khu trượt tuyết hoặc bờ biển trong thời gian khoảng 1 tuần để mở rộng vốn hiểu biết của trẻ.

Với một hệ thống giáo dục khắt khe, nhiều học sinh Pháp nhanh chóng tụt lại so với các bạn đồng lớp nhưng điều này không phải là trở ngại lớn cho giáo viên bởi việc đúp lớp để học lại tại Pháp là rất bình thường. Tại các trường nói chung, việc định hướng (học lại 1 năm, chuyển lên lớp cao hơn, thay đổi lớp) gồm một thủ tục dựa trên đối thoại giữa nhà trường (giáo viên và ban giám hiệu) cùng với gia đình và học sinh. Giáo viên đưa ra quan điểm của họ và cha mẹ học sinh có thể đưa ra quyết định ngược lại. Mỗi trường cũng có một nhóm chuyên gia giúp tư vấn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên giải quyết những vấn đề vướng mắc.

Mặc dù có nhiều mặt tích cực, các trường công tại Pháp không có xu hướng mở ra các hoạt động ngoại khoá cho chọ sinh như nhiều nước châu Âu khác, đặc biệt là các môn như nghệ thuật, kịch, âm nhạc và thể thao. Cha mẹ phải tự quyết định cho con học những kĩ năng như vậy tuỳ thuộc vào sở thích của con và túi tiền của gia đình. Tại Pháp có nhiều câu lạc bộ và hiệp hội có thể đáp ứng nhu cầu này.

Hệ thống giáo dục Pháp được chia thành mẫu giáo (Ecole Maternelle), tiểu học (Ecole Primaire) và trung học bậc thấp trước khi bước vào kì thi trung học (Lycée) để lấy bằng tú tài. Những học sinh không lấy được bằng tú tài sẽ chuyển sang học nghề. Khoảng 80% trẻ trên 16 tuổi tại Pháp tiếp tục con đường học vấn.

Đại bộ phận học sinh vào học các trường dưới sự quản lí của Bộ Giáo dục nhưng có khoảng 100.000 học sinh (chủ yếu là trẻ khuyết tật) học tại các cơ sở y tế xã hội thuộc Bộ Y tế quản lí (gồm các khoá học kĩ thuật và nghề) và khoảng 300.000 học sinh khác, ít nhất 16 tuổi, làm hợp đồng và vẫn có thể nhận chứng chỉ nghề theo cải cách của Chính phủ năm 1987.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét