Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Kinh nghiệm GD của Pháp: Dạy cái gì, cho ai, như thế nào, để làm gì?

Nếu theo dõi các hệ thống giáo dục nước ngoài, có thể thấy thiên hạ đặt và giải bài toán giáo dục một cách khác.
Tỉ như hệ thống giáo dục Pháp, tuy chưa phải là thành công (năm nào học sinh, sinh viên cũng biểu tình...) song dẫu sao cũng là chỗ dựa của một xã hội công nghiệp đứng hàng thứ tư thế giới.

Quan tâm (mục tiêu) cơ bản của nhà trường là định hướng học sinh hội nhập xã hội/lao động: “Định hướng là kết quả của quá trình liên tục hun đúc và thực hiện dự định đào tạo và hội nhập xã hội / nghề nghiệp của mỗi cá nhân, mà người học sinh trung học (cấp II rồi thì cấp III) đeo đuổi, căn cứ trên các khát vọng và khả năng của mình” (http://www.education.gouv.fr/orient/default.htm)

Nôm na mà nói, các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở Pháp không quan niệm nhà trường là nơi để đong đầy kiến thức cho học sinh, mà là nơi giúp học sinh định hướng chuẩn bị cho tương lai vào đời của mình, ngay từ cấp II.

Từ đó, hệ thống giáo dục của Pháp được thiết kế cho mục tiêu trên. Cho đến nay cấp II (trung học cơ sở) được định nghĩa là hệ quan sát trong hai năm đầu (tương đương lớp 6, 7 ở VN) và hệ định hướng trong hai năm sau (tương đương lớp 8, 9 ở VN). Trong hệ quan sát, học sinh, trong khi học từng môn, quan sát các ngành học đó xem mình thiên về môn nào. Nhà trường, phụ huynh cũng thế. Sang hệ định hướng, những quan sát thăm dò này sẽ được củng cố.

Sau này với cải cách mang tên bộ trưởng giáo dục Bayrou, học sinh hai lớp 7 và 8 được hướng đến những lộ trình khám phá: khám phá thế giới tự nhiên và thân thể con người, khám phá nghệ thuật và nhân văn, khám phá các ngôn ngữ và các nền văn minh, khám phá dẫn nhập đến sự sáng tạo và kỹ thuật. Học sinh chọn hai trong bốn lộ trình khám phá trên (http://www.ladocumentation francaise.fr/dossier_actualite/college_unique/misenplace.shtml).

Sau đó là cấp III gồm hai hệ: hệ dài gồm các trường trung học phổ thông (lycée), hệ ngắn gồm các trường trung học chuyên nghiệp (LEP). 50% học sinh thôi học ở tuổi 16 và bước vào đời sống lao động qua ngã sau cùng này.

(Nguồn: http://www.csupomona.edu/~lfucaloro/fl308/notes/education2.html).

Các số liệu sau sẽ cho thấy chi tiết hơn số học sinh học chữ/ số học sinh học nghề = 49%.

học sinh cấp II: 3.323.000
học sinh cấp III: 1.511.000
học sinh trung học nghề: 746.500

(Nguồn: Ministère de l’éducation nationale, de l’enseignement supérieur et de la recherche, 2003 - 2004)

Rõ ràng sau cấp II, tỉ lệ giới trẻ Pháp vào đời là rất cao. Tỉ lệ học sinh từ 16 tuổi “học nghề” (746.500) xấp xỉ phân nửa số học sinh tiếp tục “học chữ” (1.511.000). Từ thực tế đó có thể kết luận:

1. Một nước công nghiệp đứng hàng thứ tư thế giới như Pháp khiêm tốn ý thức rằng vẫn luôn tồn tại những dị biệt xã hội, địa phương, công chúng, cá nhân..., trong khi khả năng ngân sách chỉ cho phép cung cấp phúc lợi giáo dục miễn phí và cưỡng bách đến tuổi 16 mà thôi.

2. Từ ý thức đó, họ quyết định: nếu học sinh không đủ sức học tiếp lên cao sẽ chuyển sang học nghề để có thể bước vào cuộc sống lao động. Từ đó, đầu tư nhiều cho trường học nghề ở cấp III, tỉ lệ trường học nghề/ trường học chữ = 65%.

số trường học nghề: 1.716
số trường học chữ: 2.620

(Nguồn: Ministère de l’éducation nationale, de l’enseignement supérieur et de la recherche 2003 - 2004)

Và số học sinh ra trường nghề rất cao:

- Bằng tú tài phổ thông: 253.222
- Bằng tú tài kỹ thuật: 137.915
- Bằng tú tài chuyên nghiệp: 88.954
Tổng cộng: 480.091

Tú tài nghề/tú tài phổ thông: 48%

Trên thị trường lao động ở một xã hội không bị câu thức bởi tập quán “trọng sĩ”, bằng nghề (CAP, BT, BTS...) có giá hơn bằng cử nhân, thậm chí tiến sĩ văn chương (thất nghiệp dài dài)...

Ở VN cũng đã từng có và đang có những trường trung học kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp mà học sinh ra trường vào đời dễ dàng hơn là tốt nghiệp đại học.

Có thể thấy Bộ Quốc gia giáo dục Pháp, chính do danh xưng “quốc gia giáo dục”, phải đặt bài toán giáo dục trong tổng thể bài toán phát triển quốc gia, trong đó phải để ý đến bài toán: làm gì cho số học sinh không đủ điều kiện, sức khỏe, ý muốn tiếp tục “học chữ”? Không thể để cho số học sinh nghỉ ngang đó trở thành vấn nạn ‘thất bại học đường” mà phải hướng số người trẻ đó vào đời sống lao động và hội nhập xã hội.

Trong khi đó ở VN chưa có mấy câu hỏi “học sinh lớp 9 thi rớt lớp 10 sẽ làm gì?”, như thể bài toán thất bại học đường chưa được đặt ra, trong khi số “cựu học sinh” này đang chính là gánh nặng lớn, thất nghiệp, lêu lổng...

3. Bởi lẽ đó, ở Pháp nhà trường không nhằm nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh mà chỉ giúp họ có những “chìa khóa” để khám phá. Thật ra đây không là một điều mới mẻ. Xuất phát từ một di sản văn hóa La-Hi, người Pháp (cũng như người châu Âu) không hề bị nhiễm bởi “tập quán” học theo kiểu “Tử viết”, cho dù có một giai đoạn bị khống chế về mặt tư tưởng bởi nhà thờ La Mã.

Từ thế kỷ 16, các nhà tư tưởng Pháp như Montaigne, Rabelais... đã giải quyết xong vấn nạn “một cái đầu cho ra cái đầu” tốt hơn là “một cái đầu đầy chữ” (Une tête bien faite vaut mieux qu’une tête bien pleine)... May mắn thay, nền giáo dục của các nước này đã được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, chỉ có đi tới với lịch sử chứ không phải trải qua những đứt quãng buộc phải đi ngược chiều kim đồng hồ.

4. Thế cho nên, đối với họ, học là học theo chương trình chứ không phải là học theo sách giáo khoa.

Bộ đưa ra chương trình chi tiết, ai dạy giỏi cứ viết sách. Ai dạy dở (càng không phải những vị không bao giờ dạy) đố dám viết sách ai mua! Tác giả vừa viết sách, vừa dạy học, vừa có tiếng tăm, vừa có của ăn của để, đâu dại gì dính đến chuyện ra đề thi để mà tiêu tan sự nghiệp! Quyển nào học sinh đọc, học theo dễ hiểu hơn, thầy cô và nhà trường sẽ chọn. Thầy cứ dựa chương trình mà dạy, dạy giỏi thì nhà trường đãi ngộ cao, dạy dở thì xin mời... ra cổng.

Thầy giáo thấy bài nào khó, học trò không hiểu cứ việc dừng lại mà “nhấn”, chẳng ai gõ kẻng buộc đến tiết nào mọi người cùng giở một trang sách nào cả. Chẳng ông giám đốc sở nào ép ai (mua sách nào) được cả. Chẳng có gì phải kêu “loạn sách giáo khoa, làm sao quản lý?”!

5. Thế cho nên, vấn đề đáng suy gẫm chính là dạy cái gì, để học sinh sau này làm gì, và dạy như thế nào, kiểm tra đánh giá bằng cách nào chứ không phải là thi kiểu gì. Có thể, ở nước này chọn thi trắc nghiệm (ở Mỹ, ở miền Nam đã thi tú tài “A, B, C khoanh” từ đầu thập niên 1970), ở nước khác lại không (như ở Pháp).

Vấn đề là học và thi để làm gì? Như thế nào? Có trung thực hay không? Vấn đề là làm sao cho học sinh hiểu rằng và thực tế cuộc sống chứng tỏ rằng đại học không phải là cùng đích, mà là nghề gì và tay nghề đến đâu.

Ở Pháp, họ khiêm tốn đặt ra mục tiêu đại trà là trung học cơ sở, rồi thì chuẩn bị vào đời và nhà trường giúp họ có cái nghề. Và từ đó đề ra những mục tiêu sao cho giáo dục phục vụ các bước phát triển của xã hội.

Trên đây chỉ là vài tham khảo. Tất nhiên, nền giáo dục Pháp hay bất cứ nền giáo dục nào khác không thể nào là “mô hình”, bởi “mô hình” sẽ thay thế cho tự mình động não.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét