Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Làm thế nào để có tiền du học Pháp?

Bạn muốn đi du học Pháp nhưng lại không có tiền. Nếu không có kinh phí được hỗ trợ từ gia đình, hoặc có nhưng không đủ, các bạn hãy thử xin học bổng hoặc đi làm thêm.
Xin học bổng cao học dễ hơn đại học

Học bổng dành cho sinh viên Việt Nam bao gồm học bổng từ phía Việt Nam và học bổng từ phía Pháp. Đối với học bổng từ phía Việt Nam, chắc các bạn cũng biết chương trình Học bổng từ ngân sách nhà nước theo Đề án 322 của Bộ GD – ĐT. Đề án này đòi hỏi bạn phải là những sinh viên rất xuất sắc trong từng lĩnh vực nhất định hoặc nếu học cao học thì phải đang làm việc tại một cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, còn có học bổng các chương trình hợp tác đào tạo sau đại học giữa một trường ĐH của Việt Nam và một trường ở Pháp chẳng hạn như ĐH Bách Khoa – INPG, ĐH Khoa học tự nhiên – Paris Sud... Một số công ty ở Việt Nam cũng có những suất học bổng nhất định ví dụ như công ty dầu khí Việt Nam song đôi khi những học bổng này cũng có những hạn chế nhất định như ngành nghề và đối tượng được cử đi học.

Đối với học bổng từ phía Pháp, nếu xin học bổng từ ĐSQ Pháp thì bạn phải là người có học lực tốt, đăng ký vào những ngành đào tạo có chỉ tiêu, ĐSQ cũng ưu tiên những trường hợp đăng ký học sau đại học. Ngoài ra còn có học bổng của từng vùng của nước Pháp cho sinh viên nước ngoài; học bổng của Bộ giáo dục Pháp (như: CROUS, CNOUS);

học bổng của các tổ chức phi chính phủ (như: học bổng France-Asie; học bổng của quỹ Gorege Besse...), loại học bổng này thường rất đa dạng.

Một điểm đáng chú ý là ở Pháp, nếu bạn xin học bổng để học cao học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với học bổng đại học, nhất là đối với học bổng làm nghiên cứu sinh. Nhưng để có thể xin đựơc một học bổng từ phía Pháp phù hợp với mình, tốt nhất là bạn nên nhờ bạn bè đang ở Pháp tìm giúp nếu như không có điều kiện sang tận nơi.

Đi làm thêm - cần thận trọng

Nếu phụ huynh chỉ có thể trang trải một phần kinh phí học tập cho bạn, thì việc đi làm thêm ở Pháp là điều tất yếu. Sinh viên ở Pháp thường hay làm các công việc sau: Trông trẻ, phát tờ rơi, nhân viên trong cửa hàng ăn; gia sư, tiếp tân, hái quả, bán hàng. Trong đó, làm gia sư là được coi là nghề sinh viên thích nhất vì lương cao hơn mà không vất vả, song nghề này thường đòi hỏi sinh viên từ năm thứ 3 trở lên.

Thông tin về việc làm, bạn có thể thấy ngay tại bảng thông báo của trường học, siêu thị, khu công cộng; tại phòng giúp đỡ tìm việc làm của CROUS (trực thuộc Bộ giáo dục Pháp); tại các diễn đàn việc làm; trên các báo và các Websites chuyên về tìm việc làm. Khi đã tìm được một công việc ưng ý, bạn hãy nộp hồ sơ Sơ yếu lý lịch kèm ảnh, Đơn xin việc, bản sao bằng cấp và một số giấy tờ (nếu cần).

Một điều rất phổ biến hiện nay tại Pháp là nhiều người do không có những giấy tờ hợp lệ đã đi làm “chui”, để rồi rốt cuộc bị chủ sử dụng lao động “quỵt” tiền. Bởi vậy, nhằm bảo vệ quyền lợi cho bản thân, sinh viên học tại Pháp chỉ đi xin việc khi đã có thẻ tạm trú của sinh viên còn thời hạn và đã đăng ký tại một trường học tiếng hoặc chuyên ngành. Sau đó, sinh viên hãy làm hồ sơ xin giấy phép đi làm tạm thời nộp tại Sở Lao động của nơi bạn ở. Nhưng sinh viên nước ngoài ở Pháp chỉ được đi làm tối đa là 822.5giờ/năm.

Hi vọng rằng, các bạn sinh viên sẽ có thể tìm được một việc làm phù hợp khi học tại Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét