Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Hấp dẫn du học Pháp

Theo Le monde de I'éducation, chính sự ganh đua giữa các trường Đại học đã khiến cho các vùng của Pháp phải giúp đỡ những trường của họ được toả sáng, vượt qua khỏi ranh giới quốc gia và châu lục.
Pháp - nước đứng thứ ba thế giới về số lượng sinh viên quốc tế

Với tốc độ sinh viên quốc tế tăng đã đạt đến 30% trong 3 năm qua, Pháp vươn lên đứng thứ hai châu Âu và thứ ba thế giới về số lượng sinh viên nước ngoài (220.000 người). Tại Pháp, hoàn toàn không có sự phân biệt giữa sinh viên trong nước và sinh viên quốc tế. Bởi lẽ sinh viên quốc tế được đăng ký học tập trong cùng những điều kiện với sinh viên Pháp và cũng được cấp bằng cấp như họ.

Ở Pháp, sinh viên được miễn giảm học phí (từ 80 - 100%) và được hỗ trợ phần lớn chi phí ăn uống, đi lại, bảo hiểm y tế (từ 30 - 50%)... Điều này có nghĩa là khi quyết định học ở đây, sinh viên coi như đã có trong tay một một học bổng bán phần.

Tại TP.HCM, Pháp đã thiết lập từ hai năm qua Văn phòng Du học EduFrance ngay tại Viện Trao đổi Văn hoá Pháp nhằm xúc tiến một cách miễn phí xung quanh đến việc du học Pháp. Đó là một trong những lý do trong năm học 2002-2003, hơn 2.200 sinh viên Việt Nam chọn Pháp là nơi du học, tăng 39% so với năm trước. Hiện nay, sau Australia và Mỹ, Pháp là nước đứng thứ 3 mà sinh viên Việt Nam chọn để du học. Đồng thời, số lượng sinh viên Việt Nam tại Pháp đứng hàng thứ 4 ở châu Á, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo thống kê gần đây nhất, trong số khoảng 3.500 sinh viên Việt Nam du học tại Pháp, 38% chọn học các ngành Y, Khoa học, 32% chọn các ngành Kinh tế và Luật, 22% chọn các ngành Văn học và Khoa học Xã hội và 8% chọn các lọai hình đào tạo ngắn hạn.

Bệ đỡ địa phương

Một câu hỏi được đặt ra: Điều gì đã thúc đẩy chất lượng giáo dục Đại học và sau Đại học ở Pháp phát triển vượt bậc trong những thập kỷ gần đây?

Về tổ chức hành chính, nước Pháp được chia ra thành 22 vùng với 96 tỉnh. Một điều đáng ngạc nhiên là những năm 1980, Hội đồng của địa phương các vùng chỉ quản lý các trường Tiểu học và Trung học. Nhưng chỉ trong 20 năm, sự đóng góp của các chính quyền địa phương về tài chính cho nền giáo dục Cao đẳng và Đại học đã tăng lên gấp 4 lần. Bởi vì mỗi thành viên Hội đồng đều ý thức rất rõ việc coi trọng giáo dục Đại học, Cao đẳng và Nghiên cứu là những đòn bẩy thực sự đối với sự phát triển của vùng.

Ở Pháp, một số đơn vị hành chính tách biệt riêng ngân sách giáo dục Đại học và Nghiên cứu ra, một số khác lại trợ cấp ngoài cho những hợp đồng kế hoạch. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng sinh viên trong những năm 1990 đã thúc đẩy các cơ quan chính quyền đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường. Nếu trước kia, các ký túc xá phần lớn được bố trí, sắp xếp ở xa thành phố thì đến nay, sự hiện diện của ngành giáo dục Đại học và Cao đẳng trong các trung tâm đô thị được coi như một yếu tố của tính năng động.

Chính vì thế, đời sống sinh viên được quan tâm rộng rãi như: giá ưu đãi trong việc mua vé đi lại bằng phương tiện công cộng, tạo ra không gian sinh hoạt cho sinh viên... Có những địa phương tăng gấp đôi số học bổng do Nhà nước cấp.

Do nắm được tầm quan trọng của một công trình nghiên cứu có sức thu hút cao các xí nghiệp, nên công tác nghiên cứu nhận được rất nhiều sự quan tâm và hỗ trợ ngân sách của các vùng: nâng đỡ các nhóm nghiên cứu, học bổng cho các đề tài, ký những hợp đồng nghiên cứu khoa học, thu thập các nhà nghiên cứu hoặc hỗ trợ các phòng thí nghiệm...

Hơn nữa, các vùng còn thúc đẩy các trường Đại học và Cao đẳng đi sâu vào chuyên môn hoá để tăng cường sức hấp dẫn thu hút các xí nghiệp. Như thế, họ đã tạo ảnh hưởng về chiến lược nghiên cứu đối với các trường vì những lợi ích kinh tế là cơ sở cần thiết cho công tác nghiên cứu trong định hướng.

Như vậy, nhờ chính sách năng động về giáo dục của từng vùng mà các trường Đại học Pháp phát triển hài hoà cùng nhau, đưa Pháp vươn lên một nền giáo dục hàng đầu thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét